Phú Thọ trở thành đối tác tiềm năng của nhiều doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc
hời gian qua, quan hệ giữa tỉnh Phú Thọ với các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đạt những kết quả quan trọng ở các lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại. Các mối quan hệ hữu nghị với tỉnh Sơn Tây, quan hệ hợp tác với Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam và thành phố Thâm Quyến đã mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 40 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 1 tỷ USD với các ngành nghề chủ yếu: Sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, chế biến gỗ,... Các doanh nghiệp Trung Quốc có đóng góp đáng kể cho ngân sách tỉnh và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Với vị trí và hạ tầng giao thông thuận lợi, sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao, kèm chi phí lao động cạnh tranh, Phú Thọ có tiềm năng thu hút các dự án lớn của Trung Quốc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tăng cường khảo sát đầu tư tại tỉnh. Có thể kể đến như Tập đoàn Wingtech, nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ; hay như Công ty điện tử BYD thuộc tập đoàn BYD có trụ sở chính tại Thâm Quyến đã quyết định tăng vốn cho giai đoạn II với tổng số vốn đầu tư 411 triệu USD... Với những tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, theo dự báo sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc vào Phú Thọ.
Công ty Yi Da Việt Nam, KCN Cẩm Khê thuộc Tập đoàn Crystal (Hồng Kông – Trung Quốc) là một trong những tập đoàn may mặc hàng đầu thế giới và xếp thứ 2 Châu Á về quy mô và lợi nhuận. Ông Vincent Chu - Giám đốc điều hành Công ty đánh giá môi trường đầu tư tại Phú Thọ rất minh bạch, doanh nghiệp được tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa trước, trong và sau đầu tư. Do đó, sau một thời gian đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, doanh nghiệp nhìn thấy được những tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ của tỉnh nên muốn tập trung đầu tư sản xuất, mở rộng dây chuyền để phát triển ổn định, bền vững tại tỉnh.
Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm đẩy mạnh và triển khai hiệu quả. Tháng 10/2023, Đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ do đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị chính quyền địa phương khu vực Đông Á lần thứ 12 với chủ đề “Hợp tác cùng có lợi ở Đông Á” tại thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đoàn đã làm việc với lãnh đạo các địa phương Trung Quốc nhằm thảo luận hợp tác trong thời gian tiếp theo, trao đổi kinh nghiệm phát huy di sản để thúc đẩy du lịch; xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Phú Thọ như chè, chuối, bưởi, gỗ, da giày, dệt may...
Vào giữa tháng 4/2024, Đoàn công tác của chính quyền thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc do đồng chí Tuyển Tân Dương - Ủy viên Thường vụ, Phó Thị trưởng thành phố Lâm Nghi làm Trưởng đoàn tới thăm và làm việc tại tỉnh. Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu các chương trình, lĩnh vực kêu gọi đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã đề nghị lãnh đạo thành phố Lâm Nghi hỗ trợ tỉnh Phú Thọ mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử; chế tạo lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp; sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh Phú Thọ tiếp cận vào thị trường thành phố Lâm Nghi nói hàng xuất khẩu Quốc nói chung. Với lợi thế “Thủ đô logistic của Trung Quốc”, đồng chí mong muốn lãnh đạo thành phố Lâm Nghi quan tâm hỗ trợ mời gọi đầu tư phát triển hệ thống logistics của tỉnh Phú Thọ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp - dịch vụ. Buổi làm việc là cơ hội hợp tác mới giữa thành phố Lâm Nghi với tỉnh Phú Thọ trên các lĩnh vực, từ đó thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, với những tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Không chỉ năm 2023, mà từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục đón làn sóng “dịch chuyển” của các doanh nghiệp Trung Quốc, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Đặc biệt, chú trọng các dự án công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu