Tổ hợp tác sản xuất bánh Xuân An

Văn hóa lịch sử Di tích Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân

  • 19-06-2024
Văn hóa lịch sử Di tích Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân

Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Quang Bích:

Nguyễn Quang Bích sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức ngày 07/5/1832), mất ngày 15 tháng Chạp năm Canh Dần (tức ngày 24/1/1890). Ông là người làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Nguyễn Quang Bích vốn họ Ngô – dòng dõi Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê – Ngô Kinh, là ông ngoại vua Lê Thánh Tông. Do ông nội của Ngô Quang Bích đã đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn, nên sử sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích. Ngô Quang Bích là một nhân vật lịch sử và là một nhà khoa bảng, tên ông được ghi trong Đại Nam thực lục – bộ chính sử của nhà Nguyễn, đồng thời được ghi trong Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều Khoa bảng lục cũng như được khắc tên, họ trên bia tiến sĩ ở Văn Thánh – Huế.

Nguyễn Quang Bích đỗ tú tài năm Mậu Ngọ (1858) và thi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa thi Hội năm Kỷ Tỵ (1869). Ông được bổ làm Tri phủ phủ Diên Khánh (Khánh Hoà). Năm Canh Ngọ (1870), Ông vào kinh giữ chức Nội các thừa chỉ. Vào kinh được 8 tháng, Nguyễn Quang Bích được bổ làm Tri phủ Lâm Thao. Năm ất Hợi (1875), Nguyễn Quang Bích vào kinh thành giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, được Vua giao duyệt pho sách “Khâm dịch Việt sử thông giám cương mục”. Năm Đinh Sửu (1877), triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm ông vào nhậm chức án sát Bình Định.

Năm 1875, triều đình lập Ban doanh điền ở Hưng Hoá, Nguyễn Quang Bích được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ sơn phòng và năm sau -1876, kiêm chức Tuần phủ Hưng Hóa.

Sau khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương (1885), Nguyễn Quang Bích được phong Hiện biện đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư sung Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần trung hầu, được toàn quyền tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp ở các tỉnh Bắc Việt Nam.

Khi nghiên cứu về Nguyễn Quang Bích, cố GS. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã viết “Cụ Nguyễn Quang Bích, sĩ phu yêu nước, không tham danh vọng, một lòng vì dân, vì nước, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống TD Pháp xâm lược, để lại cho dân tộc ta những bài học quý báu về đường lối chính trị, về chiến lược quân sự…”.

Quả đúng như vậy:

Về chính trị:

Ông là người kiên quyết trong phái chủ chiến như một số vị văn thân thời đó, nhưng các khác của ông là ông dựa vào lực lượng nhân dân dựng cờ khởi nghĩa sớm nhất ở Bắc Kỳ, coi nhân dân là gốc rễ của nước nhà. Đặc biệt là đồng bào thiểu số các dân tộc vùng Tây Bắc, họ đã đứng lên theo ông chống giặc như: Cầm Hoan, Đèo Văn Trì, Đào Triển Lộc, Đổng Phúc Thịnh, Hà Văn Sang… Ngay từ lúc sinh thời, nhân dân các vùng đã gọi ông là vị “Hoạt Phật” (Phật sống). Còn đồng bào dân tộc gọi ông là “Người nhà trời”.

Về chiến lược quân sự:

Ông là người chủ trương lấy núi rừng Thượng Du, Tây Bắc làm căn cứ chống giặc; dùng lối đánh “du binh” và lối đánh du kích, dùng bẫy đá, chông tre, địa lôi tự tạo… khá hiệu quả. Đây cũng là một chiến lược độc đáo về chiến lược quân sự.

Về ngoại giao:

Khi ông còn là tri phủ Lâm Thao đã cảm hóa được Lưu Vĩnh Phúc, vốn là một tướng cướp của Đảng Thái Bình Thiên quốc thất bại chạy sang Việt Nam. Ngoài tướng Lưu Vĩnh Phúc, còn nhiều tướng giỏi khác theo ông chống giặc: Đốc Ngữ, Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều, Lãnh Hoan, Tán áo, Tán Thuật, Vũ Hữu Lợi, Tống Duy Tân, Nguyễn Hội…Ông đã lấy “tâm” và “đức” thu phục lòng người, đoàn kết các dân tộc miền núi và miền xuôi đánh giặc là một sự độc đáo đặc biệt.

Còn một sự độc đáo nữa: Trong thế cô sức yếu, địch nhiều lần dụ hàng, Ông đã viết bức thư trả lời quân Pháp với lời lẽ hùng tráng và thể hiện một tầm cao văn hóa và thể hiện một cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta: “Khi Quý Quốc sang đây, một rằng hòa hiếu, hai rằng bảo hộ, để rồi chiếm thành trì chúng tôi, đuổi vua, đuổi tướng chúng tôi, để rồi lại còn tự quyền lập vua Đồng Khánh. Chẳng qua đó chỉ là kế “bịt tai ăn trộm chuông mà thôi”! Lợi quyền chính trị đều về tay Quý Quốc nắm cả, văn thần võ tướng đều bị Quý Quốc câu thúc trói buộc…gọi là “hòa hiếu”, gọi là “bảo hộ” mà lại như thế ư?…”.

Bức thư đã thể hiện ý chí của dân tộc ta chống xâm lược đến cùng: “Sống thì làm nghĩa sĩ, chết thì làm qủy thiêng giết giặc”

Nguyễn Quang Bích trong phong trào Cần Vương chống Pháp:

Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước ngày 25/8/1883 xác nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, thực dân Pháp đã kéo quân ra đánh chiếm miền Bắc. Khi Pháp mở rộng xâm lược nước ta, triều đình Huế tỏ ra bất lực, lần lượt đầu hàng chúng. Nguyễn Quang Bích đã theo phái chủ chiến, phối hợp với Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm vừa đánh giặc, vừa lôi kéo phân hóa các đội quân người Trung Quốc mà “sử cũ” gọi là “giặc khách” (tàn dư của các cuộc khởi nghĩa chống Thanh, nhưng đã biến chất). Đặc biệt, trong số những người mà Nguyễn Quang Bích lôi kéo được có Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh đội quân Cờ Đen (dư đảng của Thái Bình Thiên quốc). Nhờ mưu mẹo chiến lược của Ông mà Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích tại trận Cầu Giấy ngày 21/12/1873, giết chết 2 tên chỉ huy Pháp là Gac – ni – ê và Ben – ni; tiếp đến là Hăng – ri – vi – e cũng bị giết tại Cầu Giấy vào tháng 5/1883.

Ngày 12/4/1884, TD Pháp đã tập trung lực lượng lớn tấn công thành Hưng Hóa. Giữa lúc ấy, triều đình nhà Nguyễn ra lệnh cho ông bãi binh, trao thành trì cho Pháp rồi trở về kinh nhận chức mới, buộc Nguyễn Quang Bích phải đứng trước sự lựa chọn hết sức khó khăn: Nếu vì tư tưởng trung quân mà nghe theo lệnh Vua thì phải đầu hàng; còn nếu vì lòng yêu nước chân chính và khí tiết của Nho gia thì quyết chiến đấu chứ không chịu khuất phục. Và cuối cùng, Ông đã chọn con đường đứng về phía nhân dân, khẳng khái đứng lên đánh Pháp, thà mang tiếng “Bề tôi bất trung”. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hưng Hóa diễn ra trong cảnh “Thân cô thế cô”: Triều đình bỏ rơi; Hoàng Tá Viêm thì cho rằng không thể giữ được thành nên đã rút quân vào Thục Luyện (Thanh Sơn); quân Lưu Vĩnh Phúc cũng rút về Tuyên Quang để bảo toàn lực lượng. Vì thế thất thủ là điều không thể tranh khỏi, Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích đã trèo lên “Kính thiên đài” trên đỉnh cột cờ Hưng Hóa định tuẫn tiết noi gương Tổng đốc Hoàng Diệu. Nhưng các tướng lĩnh bên cạnh Ông đã kịp thời ngăn cản, vực Ông lên ngựa, phá vòng vây mà thoát được ra ngoài. Sau đó, Nguyễn Quang Bích thu tàn quân chạy về Tứ Mỹ (Tam Nông); tiếp theo là làng áo Lộc (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê); rồi lên Tiên Động ((xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê) lập căn cứ để kháng Pháp và Ông đã được nhiều tướng sỹ yêu nước ở Bắc Kỳ hưởng ứng.

Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Cam Lộ (Quảng Trị) ban bố “Cần Vương chiếu”. Biết Nguyễn Quang Bích là người có chí và có tài đức lại có ảnh hưởng lớn đối với các bậc sỹ phu phía Bắc, nhà vua đã phong cho Ông làm Lễ bộ Thượng thư, sung Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần trung hầu, lãnh nhiệm vụ tổ chức kháng chiến chống Pháp ở vùng Tây Bắc (Bắc Bộ). Ông có thẩm quyền phong chức quan văn từ Tham tán, quan võ từ Đề đốc trở xuống. Từ đó, Ông chính thức trở thành vị chỉ huy tối cao cuộc kháng Pháp ở Bắc Kỳ. Với uy tín của mình, Ông vừa trực tiếp chỉ huy phong trào, vừa tìm cách liên hệ để phối hợp với các phong trào khác, như của Nguyễn Thiện Thuật, Đèo Văn Trì (thủ lĩnh người Thái), Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh…Ngoài ra, Ông còn lôi kéo được nhiều sĩ phu, tù trưởng và đông đảo người dân (gồm các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mông) trong vùng tham gia chiến đấu hay ủng hộ nghĩa quân.

Cùng với phong trào kháng chiến chống Pháp trong cả nước, nhân dân Phú Thọ với lòng yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, đã dốc sức ủng hộ các văn thân, sỹ phu và thổ hào địa phương đứng lên chống Pháp. Dưới ngọn cờ của Nguyễn Quang Bích, nhân dân Phú Thọ đã hăng hái gia nhập đội quân cứu nước, cứu nhà. Nhiều sỹ phu và các thổ hào làng xã tham gia vào cuộc kháng chiến đã được Nguyễn Quang Bích phong chức đề, đốc, tán lý, lãnh binh…, như: Đề Kiều, Tán áo, Đốc Xù (Cẩm Khê); Đề Ngân, Lãnh Đa, Lãnh Khanh, Lãnh Học, Lãnh Vĩnh, Lãnh Chấp (Hạ Hòa); Lãnh Thành (Tam Nông); Đề Dị, Lãnh Đại, Lãnh Xồ (Thanh Thủy); Lãnh Tanh (Yên Lập); Đề Tường, Lãnh Sen, Lãnh Tác, Đội Gò (Thanh Ba); Lãnh Mai, Đội Bốn, Đốc Kình (Lâm Thao); Đốc Thực (Đoan Hùng); Đốc Văn (thị xã Phú Thọ)…Việc phong chức này tất nhiên chỉ có ý nghĩa danh dự chứ không có quyền lợi như các võ quan của triều đình. Tuy vậy, nó đã có tác dụng kích lệ mọi người tích cực đóng góp cho công cuộc kháng Pháp.

Nhiều lần quân Pháp tấn công vào căn cứ Tiên Động nhưng đều bị bẻ gãy. Hoạt động của nghĩa quân đã gây cho chúng nhiều phen lao đao, hầu như chỉ kiểm soát được trong phạm vi hẹp nơi đồn trú, còn vùng hữu ngạn sông Hồng rộng lớn vẫn do nghĩa quân làm chủ.

Căn cứ Tiên Động của Nguyễn Quang Bích còn là nơi thu hút nhiều văn thân, sỹ phu từ các nơi về hội kiến như Đinh Công Tráng, Đinh Gia Quế, Đinh Hàm (Nam Định); Quách Tất Ngân (Ninh Bình); Trần Văn Song (Hưng Yên); Hà Văn Mao (Thanh Hóa)…. Tôn Thất Thuyết đứng đầu phái chủ chiến trong triều đình cũng về đây để bàn kế đánh giặc. Nhiều văn thân, sỹ phu đã kéo quân về hợp lực với Ông như: Bố chánh Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp từ Lâm Thao kéo quân về Tiên Động; Đề Kiều – Chánh tổng Điêu Lương hộ tổng chủ tướng cùng quân sỹ lên lãnh địa của mình ở Cẩm Khê để xây dựng căn cứ và cũng là người cộng sự đắc lực cho Nguyễn Quang Bích trong quá trình xây dựng và phát triển lực lượng.

Tại Tiên Động, TD Pháp đã nhiều lần đem quân đánh nghĩa quân, song đều bị thất bại, chúng bèn dùng kế dụ hàng, hỏng dử miếng mồi vinh hóa phú quý để dụ dỗ, nếu giải binh sẽ được hậu đãi…Nhưng Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Nguyễn Quang Bích đã khẳng khái viết thư trả lời TD Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm kháng Pháp đến cùng của văn thân nghĩa sỹ, của những người Việt Nam yêu nước, mà Ông đã thay mặt họ trả lời với TD Pháp: “…nếu mà thắng, mà sống thì là nghĩa sĩ triều đình, nếu không may mà thua, mà chết thì cũng là quỷ thiêng giết giặc…”.

Sau nhiều lần Pháp càn quét vào Tiên Động, căn cứ và lực lượng nghĩa quân vẫn được bảo toàn. Nhưng Nguyễn Quang Bích và các cộng sự xét thấy địa thế Tiên Động khá hẹp, lại bị tàn phá sau mấy trận càn, nên đã đem quân lên Nghĩa Lộ (trước thuộc châu Văn Chấn, nay là thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái) xây dựng căn cứ mới vào năm 1887. Tháng 5/1888, để tránh sự vây giáp của giặc, Nguyễn Quang Bích đem quân rời Nghĩa Lộ về Yên Lập – một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, xây dựng căn cứ tại núi Tôn Sơn – Mộ Xuân để củng cố phong trào kháng chiến lâu dài.

Phong trào kháng Pháp ở Phú Thọ phát triển mạnh, thu được những kết quả làm nức lòng quân dân cả nước: Trận tấn công thành Hưng Hóa (10/1888) của Lãnh Doãn đã đã giết viên quan ba giám binh và hàng chục lính Pháp, thu được 40 khẩu súng, 2 hòm đạn; trận đốt phá huyện lỵ Lâm Thao của Đốc Di (12/1888); trận đánh phá đồn Cẩm Khê (1/1889); trận tấn công huyện lỵ Thanh Ba (8/1889) đã giết chết tên chánh tổng và đánh tan tác hơn 300 quân của tri phủ Lâm Thao đến càn quyét vùng này…Những cuộc phản công của nghĩa quân đã khiến quân Pháp không thể thực hiện âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”, buộc chúng phải đối phó liên tục hàng chục năm trời.

Tóm lại, phong trào chống Pháp của nhân dân Phú Thọ cuối thế kỷ XIX đã diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sỹ phu cùng các thổ hào địa phương, trong đó vai trò của Nguyễn Quang Bích là cực kỳ quan trọng. Noi gương Ông, nhiều quan lại đương chức đã không tuân theo vương mệnh của triều đình, sãn sàng từ bỏ chức vị mà về với nhân dân, tập hợp nghĩa quân chống Pháp. Danh tiếng của Ông đã trở thành lời hiệu triệu cho văn thân sỹ phu từ mọi miền về hội tụ dưới ngọn cờ của bậc hào kiệt. Vì vậy, Phú Thọ trở thành nơi tập hợp, thống nhất lực lượng kháng Pháp mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ. Tất cả nhân dân các dân tộc ở Phú Thọ đều đồng tâm, hiệp lực ủng hộ phong trào. Điều đó, vừa cho thấy tài năng, đức độ của Nguyễn Quang Bích, vừa thể hiện lòng yêu nước kiên trung, bất khuất và tinh thần chiến đấu bền bỉ của quân dân Phú Thọ; đồng thời, nó cũng làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân Phú Thọ cuối thế kỷ XIX mang tính chất là một cuộc chiến tranh nhân dân.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, song hình ảnh và tên tuổi của danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích vẫn in đậm trong tâm trí của lớp lớp người dân Cẩm Khê, Yên Lập nói riêng và của nhân dân Phú Thọ nói chung. Lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ nhớ mãi hình ảnh về một vị danh tướng cầm quân chính trực, giàu ân đức; về một nhà văn thân yêu nước; về một con người hy sinh, quên mình vì nghĩa lớn; một nhà chiến lược quân sự; một nhà ngoại giao tài giỏi, khéo léo.